Mạc Ngôn: Cảm thấy bản thân không khác gì một con heo, con chó

29/08/16, 08:30 Trung Quốc

“Tôi hồi tưởng lại những gì bản thân đã trải qua trong hơn 30 năm nay, cảm thấy bản thân mình không khác gì một con heo hay một con chó, cứ mãi kêu ăng ẳng, chạy quanh cái chuồng, tìm kiếm những gì có thể ăn được để lấp đầy cái động không đáy này…”

Nhà văn Mạc Ngôn, tác giả của những bài viết đánh động tới trái tim hàng triệu người. (Ảnh:Internet)
Nhà văn Mạc Ngôn, tác giả của những bài viết đánh động tới tâm can hàng triệu người. (Ảnh:Internet)

Mạc Ngôn, 61 tuổi, tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh ra tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Ðông, Trung Quốc. Ông phải bỏ tiểu học do Đại Cách mạng Văn hóa và phải lao động nhiều năm ở nông thôn.

Năm 1976, ông nhập ngũ, bắt đầu học văn học và viết văn. Năm 1981, truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản trên một tạp chí văn học. Bút danh Mạc Ngôn của ông có nghĩa là “không nói”.

Các tác phẩm của ông mô tả sinh động một Trung Quốc đầy biến động trong thế kỷ 20, từ cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 lật đổ chế độ phong kiến Trung Quốc cho đến những chính sách đất đai thất bại của chính quyền Bắc Kinh thập niên 1950 và thời kỳ động loạn, đẫm máu của Cách mạng Văn hóa 1966-1976.

Trong một bài viết kể về những hồi ức thời cái đói bao trùm toàn xã hội Trung Quốc, ông đã ví bản thân: “Cảm thấy bản thân mình không khác gì một con heo hay một con chó, cứ mãi kêu ăng ẳng, vòng quanh cái chuồng, tìm kiếm những gì có thể ăn được để lấp đầy cái động không đáy này…”

***

 

Vì miếng ăn, tôi đã lãng phí quá nhiều trí huệ, bây giờ vấn đề ăn uống đã được giải quyết rồi, nhưng đầu óc cũng dần dần không còn linh hoạt nữa.

Vào cái tuổi tôi cần dinh dưỡng nhất, lại là lúc đại đa số người dân Trung Quốc đói đến sống dở chết dở. Tôi thường nói với bạn bè rằng, nếu như không phải bởi đói khổ, thì tôi nhất định sẽ thông minh hơn bây giờ. Bởi vì lúc mới sinh ra đã ăn không no, vậy nên ký ức sớm nhất trong đầu đều có liên quan với đồ ăn.

Lúc đó nhà tôi có mười mấy người, mỗi khi dọn cơm, tôi đều phải khóc lớn một hồi. Con gái của chú tôi lớn hơn tôi 4 tháng tuổi, lúc đó chúng tôi đều khoảng bốn năm tuổi, mỗi bữa cơm bà nội đều chia cho tôi và người chị này mỗi người một miếng khoai lang khô đã nổi mốc, và tôi luôn cho rằng bà nội thiên vị, đem miếng lớn hơn cho chị. Thế là liền giành lấy miếng đó trong tay chị tôi, ném miếng của mình qua. Sau khi giật lại mới phát hiện miếng đó của mình lớn hơn, thế là lại giành lại.

Toàn dân bới tìm thức ăn nơi đống rác trong thời Nạn Đói Lớn.
Toàn dân bới tìm thức ăn nơi đống rác trong thời Nạn Đói Lớn. (Ảnh: Internet)

Giành đi giành lại như vậy mấy lần, chị ấy đã khóc. Mặt của thím tôi cũng dài ra. Tôi từ khi lên bàn cơm đã nước mắt tuôn trào. Mẹ không biết làm sao chỉ thở dài. Bà nội tự nhiên đứng trước mặt chị dỗ dành an ủi. Lời của thím càng khó nghe. Mẹ tôi luôn miệng xin lỗi thím và bà nội, trách móc cái bụng của tôi sao mà lớn quá, nói nghìn lần vạn lần không nên sinh ra thằng con trai bụng lớn như vậy.

Ăn miếng khoai lang kho đó xong, chỉ còn lại những mớ rau dại. Những thứ đồ màu đen, đâm vào miệng đó quả thật nuốt không nổi, nhưng lại không thể không ăn. Thế là chỉ đành phải vừa ăn vừa khóc, nước mắt và đồ ăn trong miệng hòa quyện vào nhau cùng nuốt xuống. Lứa người chúng tôi, rốt cuộc là dựa vào nguồn dinh dưỡng gì để lớn lên đây? Tôi thật sự không biết. Lúc đó nghĩ rằng, khi nào có thể được ăn một bữa khoai khô no bụng thì trong lòng đã mãn nguyện lắm rồi.

Mùa xuân năm 1960, có thể nói là một mùa xuân đen tối nhất trong lịch sử nhân loại. Hết thảy những gì ăn được như: rễ cỏ, vỏ cây, cỏ trên mái hiên, v.v… đều đã ăn sạch cả rồi, trong làng gần như mỗi ngày đều có người chết. Đều là chết đói.

Mới đầu người chết rồi vẫn còn có người chôn cất, người thân còn có thể khóc lóc thảm thiết đi đến miếu Thổ Địa đầu làng để “báo miếu”, gạch bỏ nhân khẩu người chết với ông Thổ Địa. Về sau người chết không có ai chôn cất, càng không có người kêu khóc đi “báo miếu” nữa.

Nhưng vẫn có một số người khỏe mạnh gắng gượng khiêng thi thể người đã chết ra bên ngoài làng, rất nhiều chó dại ăn thịt người chết đang chờ đợi ở đó, thi thể vừa bỏ xuống, đàn chó liền ùa đến, cắn xé thi thể người chết. Trước đây tôi vốn không hiểu lắm về cái gọi là quan tài da lông được những người nghèo khổ sử dụng trong văn kịch, bây giờ đã hiểu được cái gì gọi là quan tài da lông.

Những đứa trẻ không chịu được cái đói đã mất đi sinh mạng trong nạn đói ở Trung Quốc 1946. (Ảnh: Internet)
Những đứa trẻ chết gục giữa đường trong nạn đói ở Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Về sau có một số sách đã từng viết về chuyện người ăn thịt người vào thời đó, tôi cảm thấy chỉ có thể là hiện tượng vô cùng cục bộ. Nghe đồn rằng Mã Tứ trong làng chúng tôi đã từng cắt thịt đùi người vợ đã chết của mình nướng ăn, nhưng không có được chứng thực, bởi vì bản thân ông ấy cũng đã chết không lâu sau đó.

Lương thực à lương thực, lương thực đều đã đi đâu hết cả rồi? Lương thực đều đã bị những người nào ăn hết rồi? Người trong làng thật sự không biết phải làm gì, đói chết cũng không dám đi ra bên ngoài kiếm sống, đều ở trong nhà chờ chết. Về sau nghe nói loại đất màu trắng nơi vùng trũng phía nam có thể ăn được, liền có người đi đến đó đào ăn thử. Ăn xong không tiêu hóa được, khiến cho một số người bị ngột chết, thế là không còn ai dám ăn nữa.

Lúc đó tôi đã đi học, mùa đông, trong trường học kéo đến một xe than, sáng lóng lánh, là than tốt. Có một bạn học mắc bệnh lao nói với chúng tôi rằng than đó rất thơm, càng nhai càng thơm. Thế là chúng tôi đều đi bốc lên ăn thử, quả nhiên là càng nhai càng thơm.

Vừa lên lớp, cô giáo viết chữ ở trên tấm bảng, chúng tôi ở phía dưới ăn than, tiếng nhai “sột soạt, sột soạt” vang lên. Cô giáo hỏi chúng tôi đang ăn gì, mọi người đều đồng thanh nói là ăn than. Giáo viên nói than làm sao có thể ăn được chứ? Chúng tôi lè cái miệng đen sì ra, nói: “Cô ơi, than rất ngon, than là thứ ngon nhất trên đời này, rất là thơm, cô ăn thử một miếng thử xem”.

Cô giáo chúng tôi họ Du, cũng bị đói đến thê thảm, sắc mặt nhợt nhạt như sáp, dường như râu cũng mọc dài ra, đói thành người đàn ông rồi. Cô nghi ngờ nói, than làm sao có thể ăn được nhỉ? Than làm sao có thể ăn được nhỉ? Một học sinh nam nịnh bợ đưa một miếng than sáng lóng lánh cho cô, bảo cô hãy nếm thử đi, nếu như không ngon, thì cô có thể nhả ra.

Cô giáo Du thử cắn một miếng nhỏ xem thử, miệng nhai “sột soạt, sột soạt”, chân mày cau lại, dường như là đã cảm nhận được mùi vị, sau đó ăn một miếng lớn. Cô ngạc nhiên vui mừng nói: “À, thật sự rất là thơm ngon!”. Chuyện này có chút ma huyễn, bây giờ tôi cũng cảm thấy giống như không có thật, nhưng đây lại là chuyện hoàn toàn có thật.

Thời đại người đói chết khắp nơi, người dân cả nước không có nước cháo để uống. (Ảnh: Internet)
Thời đại người đói chết khắp nơi, người dân cả nước không có nước cháo để uống. (Ảnh: Internet)

Năm ngoái khi tôi về thăm lại quê nhà có gặp lại ông Vương người đã từng làm người gác cổng trường năm đó, nói về chuyện ăn than, ông Vương nói, đây là chuyện hoàn toàn chính xác, sao lại có thể giả được? Phân của mọi người chỉ cần bỏ lên trên lò nướng thì cháy khét thành cái gọi là bánh than.

Khi nạn đói lên đến cực độ, quốc gia mở kho lương cứu trợ, bánh đậu, mỗi người nửa cân (¼ kg). Bà nội chia cho tôi một miếng lớn cỡ như hạt hạnh nhân, bỏ vào trong miệng, nhai nhai, thơm ngon cực kỳ, không nỡ nuốt xuống thì đã biến mất, dường như đã tan mất trong miệng.

Ông cụ họ Tôn ở làng phía tây nhà tôi trên đường trở về nhà đã ăn hết hai cân bánh đậu phân phát cho nhà ông ấy, sau khi về đến nhà, liền bắt đầu khát nước, sau đó đã uống nước lạnh, bánh đậu trong bụng nở ra, dạ dày căng lên vỡ ra, đã chết.

Mười mấy năm sau, rút kinh nghiệm xương máu, mẹ tôi nói rằng con người thời đó, dạ dày mỏng giống như tờ giấy, không có lấy một chút mỡ. Người lớn phù thũng, những đứa trẻ chúng tôi đều ngửa ra cái bụng to giống như bong bóng nước, cái bụng đều là trong suốt, đường ruột màu xanh lúc nhúc bên trong. Những đứa trẻ đều rất có sức ăn, đứa trẻ năm sáu tuổi, mỗi một lần đều có thể uống tám chén cháo nấu với rau dại, cái chén thời đó là cái tô lớn bằng sứ thô.

Về sau, cuộc sống dần dần chuyển biến tốt hơn, cơ bản đã có gạo thô ăn trong nửa năm. Người chú của tôi làm việc mua bán ở hợp tác xã đã đi cửa sau mua được một bao tải bánh hạt bông, bỏ ở trong cái lu. Mỗi tối thức dậy đi tiểu, tôi cũng không quên đi lấy trộm một miếng, bỏ vào trong chăn, trùm đầu lại ăn, thơm ngon cực kỳ.

Gia súc trong làng đều đã đói chết cả, trong trại chăn nuôi trong đội sản xuất có bắc một cái nồi lớn. Có một đứa trẻ lớn tên Vận Du, dắt chúng tôi cao giọng hát ca khúc:

Mắng Lưu Bưu một tiếng đầu nhà ngươi thật là lớn,

Bố người mười lăm, mẹ người mười sáu

Cả một đời không vớt được bữa cơm no,

Chít chít rột rột mà gặm khúc xương bò dê.

Đại đội trưởng tay cầm khúc cây lớn rượt đuổi chúng tôi. Trong con mắt của đại đội trưởng, chúng tôi đại khái còn đáng ghét hơn những ruồi nhặng kia.

Nhân lúc đại đội trưởng đi nhà vệ sinh, chúng tôi lao lên giống như bầy sói đói. Anh ba tôi giành được một cái đùi ngựa, mang về nhà, giống như bảo vật vậy. Nhóm lửa lên, đốt cháy lông trên đùi ngựa, sau đó chặt ra, bỏ vào trong nồi nấu. Nấu chín rồi liền uống canh. Mùi vị của bát canh đó quả thật là quá đặc biệt, mấy chục năm sau vẫn khiến tôi không sao quên được.

Trong thời gian diễn ra Đại Cách mạng Văn hóa, vẫn là ăn không được no, tôi liền đi đến ruộng ngô đi tìm kiếm nấm mọc ở trên thân cây ngô. Lột xuống, đem về nhà nấu chín, thêm một ít muối, ăn cùng với tỏi giã nát, cảm thấy mùi vị thơm ngon vô cùng, tâm trí tôi lúc đó cảm thấy đây mùi vị thơm ngon nhất trên đời này.

Sản xuất 130 nghìn cân (65 tấn) gạo trên một mẩu đất, thời đại khoác lác trên khắp cả nước.
Sản xuất 130 ngàn cân (65 tấn) gạo trên một mẫu đất, thời đại khoác lác trên khắp cả nước.

Cuộc sống càng lúc càng khá hơn, cuối cùng cũng đã có thể  được ăn khoai lang khô no bụng. Lúc này đã là thời kỳ cuối của Đại Cách mạng Văn hóa. Có một năm, kết toán cuối năm, nhà tôi được chia hơn 290 đồng, đây là con số kinh người thời bấy giờ. Tôi còn nhớ thím sáu của tôi đã đánh vỡ đầu cô con gái của bà chỉ bởi khi đi chợ đã làm mất một hào.

Chia được nhiều tiền như vậy, đội đồ tể trong làng có bán thịt rẻ tiền, bố tôi đã hạ quyết tâm mua 2,5 kg, cũng có thể nhiều hơn một chút, để đãi chúng tôi một bữa. Cắt thịt ra thành từng miếng lớn, nấu chín, mỗi người một tô, tôi một hơi đã ăn hết một tô thịt mỡ, còn cảm thấy không đủ, mẹ tôi thở dài, đưa cho tôi chén của bà.

Ăn xong, trong miệng vẫn thấy thèm, nhưng bụng đã không thể ăn nổi nữa. Từng dòng từng dòng mỡ heo kèm theo miếng thịt chưa có nhai vụn như muốn phun ra ngoài, cổ họng giống như bị dao đâm, đây chính là cảm giác ăn thịt.

Tính tham ăn của tôi nổi tiếng khắp làng, chỉ cần trong nhà có chút đồ ăn ngon, không kể là giấu ở chỗ nào, tôi luôn nghĩ đủ mọi cách để lấy trộm ăn. Có những lúc đang ăn đang ăn thì không còn khống chế được bản thân mình nữa, dứt khoát hạ quyết tâm, không màng đến hậu quả, ăn hết toàn bộ, không đếm xỉa gì đến việc bị đánh bị mắng.

Ông bà nội của tôi sống ở nhà thím, cần tôi đưa cơm cho họ ăn. Tôi luôn là lợi dụng cơ hội đưa cơm, mở hộp cơm ra lén lấy chút ăn, bởi vậy mẹ tôi đã chịu không ít oan uổng. Chuyện này đến tận bây giờ tôi vẫn cảm thấy day dứt. Tại sao tôi lại tham ăn như vậy? Đây e rằng không hoàn toàn là bởi đói khổ, mà có liên quan với phẩm chất của tôi. Một đứa trẻ tham ăn, thường thường là ý chí yếu nhược, năng lực tự chủ rất kém, tôi chính là như vậy.

Thời kỳ giữa những năm 70 của thế kỷ 20, đi lao động ở công trình thủy lợi, đội sản xuất hấp bánh màn thầu, nửa cân bột một cái, tôi một lần có thể ăn 4 cái, có người có thể ăn 6 cái.

Năm 1976, tôi đi lính, lúc này đã từ giã cơn đói bụng. Từ lính mới được điều đến đơn vị mới, bữa cơm đầu tiên, bưng lên một lồng bánh màn thầu trắng như tuyết, tôi một hơi đã ăn 8 cái. Trong bụng vẫn còn cảm thấy trống rỗng, nhưng ngượng ngùng không ăn tiếp nữa.

Tiểu đội trưởng bếp núc nói với sĩ quan hậu cần rằng: “Hỏng rồi, không ngờ đã đến một thằng bụng bự”. Sĩ quan hậu cần nói: “Không sao, ăn được một tháng thì không ăn nổi nữa”. Quả nhiên, một tháng sau, vẫn là món màn thầu đó, một lần chỉ có thể ăn hai cái. Còn giờ đây, một cái đã đủ rồi.

Dẫu cho bây giờ không còn bị đói nữa, trong bụng cũng đã có mỡ rồi, nhưng vừa lên bàn tiệc, luôn là có chút vội vã, vội vã giành giật giống như sợ không được ăn no bụng, cũng không kể người khác nhìn tôi như thế nào. Sau khi ăn xong cũng cảm thấy hối hận, tại sao tôi không thể ăn một cách từ tốn chậm rãi chứ? Tại sao tôi không thể ăn ít một chút chứ? Tại sao không để người khác cảm thấy xuất thân cao quý, phong thái ăn uống nho nhã của tôi, bởi vì trong xã hội văn minh, ăn nhiều là biểu hiện của việc không được dạy dỗ.

Rất nhiều người chỉ trích tôi ăn nhiều, hễ ăn cơm thì không còn màng đến thân phận nữa, chỉ vùi đầu vào ăn, tôi cảm thấy lòng tự tôn bị tổn hại rất lớn, bèn hạ quyết tâm lần sau ăn uống nho nhã hơn một chút, nhưng lần sau những người có thân phận đó vẫn công kích tôi ăn nhiều, ăn nhanh, giống như là sói vậy.

Lòng tự tôn của tôi càng bị tổn thương hơn. Lại một lần nữa ăn cơm, tôi luôn nhớ kỹ trong đầu, cần phải ăn ít, ăn chậm, không nên đi đến trước mặt người khác gắp đồ ăn, khi ăn miệng không nên vang lên, ánh mắt không nên dữ tợn, cần phải cầm đũa ngay ngắn, khi gắp đồ ăn chỉ gắp một cọng rau hoặc là một cọng giá, giống như là chú chim nhỏ, giống như là con bướm vậy, nhưng những người khác vẫn là công kích tôi ăn nhiều ăn nhanh, tôi tức đến chết đi được.

Bởi vì khi tôi cố gắng ăn uống một cách nho nhã, quan sát thấy các quý cô quý bà công kích tôi khi ăn cũng ăn giống như hà mã vậy, chỉ sau khi ăn no rồi mới bắt đầu tỏ ra nho nhã. Thế là ngọn lửa tức giận liền cháy bừng từ trong ngực tôi, lần sau khi ăn bữa tiệc không cần phải trả tiền như vậy, một đĩa hải sâm bưng lên, tôi liền bưng lấy cái đĩa, cho một nửa vào trong chén của mình, ăn nuốt ngấu nghiến, họ nói bộ dạng ăn uống của tôi hung ác, cơn giận trào lên, lại đem nửa đĩa đó đổ vào trong chén của mình, gắp qua giống như là khiêu chiến vậy. Lần này, họ lại mỉm cười một cách thân thiện, nói: “Mạc Ngôn quả thật là rất đáng yêu!”

Tôi hồi tưởng lại những gì bản thân đã trải qua trong hơn 30 năm nay, cảm thấy bản thân mình không có khác biệt gì so với một con heo hãy một con chó, cứ lủi thủi khắp nơi để tìm kiếm những gì có thể ăn được để lấp đầy cái động không đáy này. Vì miếng ăn, tôi đã lãng phí quá nhiều trí huệ, bây giờ vấn đề ăn uống đã được giải quyết rồi, nhưng đầu óc cũng đã dần dần không còn lanh lợi nữa.

Tác giả: Mạc Ngôn

Theo Soundofhope

Ad will display in 09 seconds

Dịch bệnh: Lời cảnh tỉnh từ những dự ngôn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Đạo gia: Ông Thọ vì sao lại có cái đầu hình hồ lô?

Ad will display in 09 seconds

Obama đã lừa dối nước Mỹ như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Sét đánh có phải sự ngẫu nhiên?

Ad will display in 09 seconds

Người sống thọ có 4 cái lười

Ad will display in 09 seconds

Quan Công truyền kỳ: Chuyển sinh từ rồng lửa

Ad will display in 09 seconds

Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

Ad will display in 09 seconds

Dương gian có kẻ bẻ cong pháp luận, âm gian trả nợ không hết

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Dịch bệnh: Lời cảnh tỉnh từ những dự ngôn

    Dịch bệnh: Lời cảnh tỉnh từ những dự ngôn

  • Chuyện cổ Đạo gia: Ông Thọ vì sao lại có cái đầu hình hồ lô?

    Chuyện cổ Đạo gia: Ông Thọ vì sao lại có cái đầu hình hồ lô?

  • Obama đã lừa dối nước Mỹ như thế nào?

    Obama đã lừa dối nước Mỹ như thế nào?

  • Sét đánh có phải sự ngẫu nhiên?

    Sét đánh có phải sự ngẫu nhiên?

  • Người sống thọ có 4 cái lười

    Người sống thọ có 4 cái lười

  • Quan Công truyền kỳ: Chuyển sinh từ rồng lửa

    Quan Công truyền kỳ: Chuyển sinh từ rồng lửa

  • Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

    Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

  • Dương gian có kẻ bẻ cong pháp luận, âm gian trả nợ không hết

    Dương gian có kẻ bẻ cong pháp luận, âm gian trả nợ không hết

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

x